Lão nông bỏ 500 triệu đồng lên núi làm nhà kính trồng rau công nghệ cao

Trang trại trong nhà: Cuộc cách mạng hóa trồng trọt tại Thụy Điển
21/07/2018
Hiệu quả mô hình trồng rau trong nhà kính
28/07/2018

Lão nông bỏ 500 triệu đồng lên núi làm nhà kính trồng rau công nghệ cao

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Ba Thành (68 tuổi, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn không ngừng chinh phục mảnh đất khô cằn để biến nó thành mô hình kinh tế “đa con, đa cây” mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Ông Thành còn được biết đến là nông dân dám nghĩ dám làm. Bởi có lẽ, ông là người đầu tiên ở Bình Định dám “ném” 500 triệu đồng làm nhà kính trồng rau công nghệ cao ngay trên vùng đồi núi.

 

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Ông Ba Thành (thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức), được người dân trong thôn gọi là ông Ba. Nhà nghèo, con đông lại chỉ có vài sào ruộng nên dù có cố chi tiêu đến mấy cũng chẳng nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Năm 1990, vợ chồng, con cái ông dắt díu nhau rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không có bóng người thuộc địa bàn thôn Diễn Khánh lập nghiệp. Vợ chồng ngày đêm chẳng rời cây cuốc cái rựa phát dọn, khai hoang và chẳng bao lâu biến vùng đồi hoang vu thành 8 sào đất bằng phẳng.Ngày ấy, cái đói nghèo luôn ám ảnh, nên ông chỉ nghĩ chuyện trồng cây lúa. Nguồn nước tưới đã có từ những con suối trên đồi chảy xuống cung cấp. Nhưng rồi phương án trồng cây lúa thất bại vì vùng đất ông Thành khai hoang nằm cạnh suối chẳng màu mỡ gì mấy. Hơn nữa, vào mùa mưa, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Những ruộng lúa của vợ chồng ông trở thành nơi “chè chén” của lũ chuột.Trồng lúa không hiệu quả, ông Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu nuôi bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông bắt đầu có của ăn của để, nuôi con ăn học. “Gia đình có ngày hôm nay cũng nhờ vào mấy con trâu, con bò. Nhờ vậy, vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con học hành thành đạt. Giờ một đứa làm bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp”, ông Thành tự hào nói.

Năm 2005, khi có vốn, ông Thành tiếp tục đầu tư trồng 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Sau hơn 10 năm, vườn bưởi da xanh trên triền đồi phía sau lưng nhà ông đã nặng trĩu những quả non. “Bưởi bán vào dịp Tết thì giá mới cao, nếu lệch Tết thì giá rất thấp, nên bắt đầu tháng 4 âm lịch là tôi bắt đầu xử lý cho bưởi ra hoa theo ý muốn để có quả thu hoạch bán vào đúng dịp Tết”, ông Thành chia sẻ.Ông Thành còn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đàn bò của gia đình ông đã có 30 con. Hiện nay, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi thường xuyên hơn100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản.Bỏ 500 triệu lên núi trồng rau công nghệ caoTheo ông Thành, mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà kính chưa một ai ở huyện Hoài Nhơn dám nghĩ tới. Tuy nhiên, để xây dựng và hình thành được vườn rau sạch theo phương pháp công nghệ cao như hiện nay không hề dễ. Ông Thành lên mạng Internet đọc các bài báo viết về trồng rau công nghệ cao. Thậm chí, ông bảo người con trai ở Sài Gòn chạy lên chạy xuống Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau ở đây rồi về truyền đạt lại.Tháng 5/2017, ông Thành bắt tay thực hiện và chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính, có tổng diện tích 2.000m2 với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Theo ông Thành, trồng rau nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt.Hiện nay, ông Thành đang trồng nhiều loại rau: cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… Các loại rau ăn lá, mỗi thứ một ít, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Theo ông Thành, bình quân mỗi ngày vườn rau của gia đình ông cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200 kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn, rau sạch của ông còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng không đủ bán.Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông còn xuất hiện những dây dưa leo Pepino có nguồn gốc Nam Mỹ. “Loại dưa này cứ mỗi mắt cho một quả, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch quả trong vòng 2-6 tháng, quả nặng trung bình từ 200 – 300g/trái, vỏ ngoài và ruột đều có màu vàng nhạt. Khi chín, trái dưa có màu vàng sọc tím, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Thành chia sẻ.

Hiện nay, để mô hình trang trại hoạt động hiệu quả, ông Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

B.Sương – D.Công