Israel là một nước nhỏ ở Trung Đông có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, 2/3 diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu nơi đây cực kỳ khô hạn. Thế nhưng nền kinh tế nước này lại rất phát triển, thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt 35.000 USD/năm, GDP năm 2011 đạt khoảng 220 tỷ USD, đứng vào hàng ngũ các nước phát triển nhất trên thế giới. Đặc biệt mặc dù thời tiết, khí hậu khắc nghiệt như vậy nhưng chúng tôi hết sức ngỡ ngàng với nền nông nghiệp công nghệ cao ở nước này.
Theo đoàn công tác sang học tập phương thức nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao tại Israel, chúng tôi được bố trí ở tại khách sạn của Kibbutz Shefayim và học tập tại Trung tâm đào tạo của MASHAV và CINADCO. Kibbutz có nghĩa là “tổ hợp” hay là “hợp tác xã”, đây là mô hình kinh tế đặc biệt với đặc trưng xã hội chủ nghĩa theo nguyên nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Trong đó tài sản và các phương tiện sản xuất được sở hữu chung và mọi quyết định được hội đồng các thành viên bỏ phiếu tán thành. Trong Kibbutz, các thành viên có trách nhiệm và tận tụy với cộng đồng, mặt khác họ được đáp ứng mọi nhu cầu từ lúc sơ sinh đến khi về già. Ngoài Kibbutz, mô hình hợp tác xã ở Israel còn có các Moshav. Moshav là một làng nông nghiệp trong đó mỗi một gia đình đều duy trì trang trại của mình. Hợp tác giữa các thành viên trong Moshav được áp dụng trong việc mua bán, tiếp thị và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng, chính họ cung cấp phần lớn lượng nông sản cho đất nước.
Kỳ diệu về mô hình hợp tác xã thì Israel cũng kỳ diệu về xây dựng một nền nông nghiệp kỹ thuật cao. Trên vùng đất bán sa mạc và sa mạc khắc nghiệt, những cánh đồng ô liu, cam, lựu, vải thiều, nho, chuối… vẫn xanh tươi mơn mởn, những khu nhà kính (che bằng vải ni-lông trong suốt) ngập tràn hoa, rau sạch, cà chua bi, cà chua nhót, dưa chuột, cà tím…
Tất cả cây trồng đều được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng theo các ống dẫn nước tới từng gốc cây, gốc rau và được tưới bón nhỏ giọt tùy theo từng loại cây củ quả bởi một phần mềm điều khiển tự động sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử.
Chúng tôi để ý, có lẽ toàn bộ cây cối, thảm cỏ, vười hoa tại Israel đều được tưới theo công nghệ nhỏ giọt. Trẻ em Israel được dạy tiết kiệm nước từ bé, 75% nước thải sinh hoạt được tái tạo sử dụng lại, nước qua hệ thống lọc trở thành nước tinh khiết có thể uống được ngay. Hiện tại Israel đã lai tạo được giống cà chua chịu mặn đạt năng suất kỷ lục 120-150 tấn/ha. Là một đất nước khô hạn chủ yếu là sa mạc nhưng một năm Israel xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 3,5 tỷ USD với giá trị gia tăng rất lớn.
Chia tay đất nước con người Israel, chúng tôi gửi lại lòng biết ơn, sự thán phục trước những thành tựu của nước bạn và mang về hy vọng hợp tác mới cho sự phát triển nông nghiệp của đất nước và của tỉnh nhà.
Nguyễn Cường
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư